Sống xanh, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và đang lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Đây được coi là bước triển khai thực tiễn và quan trọng của khái niệm tiêu dùng bền vững, nhằm giảm tác động của xã hội đối với môi trường.
Tiêu dùng xanh là mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Nó xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống cho con người. Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.
Sống xanh, tiêu dùng xanh đã trở thành một xu hướng toàn cầu (Ảnh minh họa internet)
Theo một báo cáo về xu hướng tiêu dùng năm 2021, phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm được đóng gói bằng vật liệu thân thiện môi trường, thậm chí thế hệ Millennial đồng ý trả nhiều hơn 10%. Trong khi đó, khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen chỉ ra, có đến 86% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường (tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á là 76%). Việc doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm với môi trường cũng tác động đến quyết định mua hàng của 62% người tiêu dùng Việt.
Xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Để thuận lợi bước chân vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và có thể hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này, ngoài việc đảm bảo yếu tố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải…
Ngay ở thị trường trong nước – thuộc nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới với 100 triệu dân, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng đã “chuyển mình”, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững. Nhiều nhà máy đã lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… Không ít siêu thị, doanh nghiệp ngành F&B đã ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần…
Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh đúng lúc để bắt kịp nhu cầu thị trường chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng – xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.